nguyendu.org.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

VỀ CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC THỜI ĐẠI NGUYỄN DU


Trên con đường nghiên cứu văn học, tôi đã bước đầu tìm hiểu văn học thế giới rồi mới trở về nghiên cứu văn học Việt Nam, vì nghĩ rằng sự phát triển văn học nói chung tuân theo những quy luật nhất định, có qui luật phổ biến chung cho mọi nền văn học dân tộc, và có quy luật đặc thù riêng cho từng nền văn học dân tộc khác nhau; như vậy vì văn học Việt Nam đang còn như một khu rừng hoang chưa được khai phá, nghiên cứu bao nhiêu, cho nên cần tìm hiểu qui luật phát triển của một số nền văn học khác trên thế giới những nền văn học lâu đời hoàn chỉnh và đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, Mác, Ăng ghen, Lê nin chủ ý và có nhiều ý kiến soi sáng cho vấn đề, rồi trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm mà nghiên cứu văn học Việt Nam thì sẽ đỡ được một phần phải lần mò và sẽ thu được kết quả phong phú.

Với ý nghĩa trên đây, sau một thời gian nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực trong văn học phương Tây, trọng tâm là văn học Pháp, tôi đã trở lại nghiên cứu sự hình thành của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam. Trên quá trình này, một câu hỏi đầu tiên đã đặt ra cho tôi là:

“Trước nền văn học hiện thự phê phán Việt Nam mà nhiều người đã nhất trí khẳng định, nó xuất hiện vào những năm 30 thế kỷ XX, chủ nghĩa hiện thực đã xuất hiện lần nào khác chưa, trên cả quá trình phát triển của văn học Việt Nam, từ trên dưới một nghìn năm (chỉ kể từ sau thời kỳ Bắc thuộc)?

Là vì tôi liên hệ với văn học phương Tây, thấy rằng ở đây, trước chủ nghĩa hiện thực phê phán của thế kỷ XIX, đã từng xuất hiện những chủ nghĩa hiện thực thời Phục hưng và chủ nghĩa hiện thực thời Ánh sáng. Cố nhiên tình hình văn học phương Tây chỉ là một sự gợi ý, vì vấn đề không phải là rập khuôn, mà phải dựa vào tình hình thực tế phát triển của văn học Việt Nam mà tìm lời giải đáp. Trên quá trình nghiên cứu văn học Việt Nam, tôi bị hấp dẫn đặc biệt hỏi nền văn học của thời kỳ cuối Lê Tây Sơn đầu Nguyễn có thể xem như thời kỳ trưởng thành của văn học Việt Nam với sự nở rộ của mọi thể loại và sự xuất hiện cả một quần tính đa dạng những loại tác giả và tác phẩm ưu tú như chưa bao giờ từng thấy, và làm cho văn học Việt Nam đạt tới đỉnh cao và ở mức tương đối hoàn chỉnh. Và , trên cơ sở tư liệu hiện có và đã nắm vứng, vận dụng lý luận, tôi tự xem như đã có thể trả lời câu hỏi đã đặt ra.

Cuốn sách nhỏ này chính là tập hợp những bài tôi đã viết (có sửa chữa và bổ sung dần về sau), mà phần lớn đã được đăng trên Tạp chí Văn học và một số hóa khác như Đại đoàn kết và Tổ quốc rải rác từ khoảng 1968 đến nay, nhằm trả lời câu hỏi trên. Câu trả lời của tôi xin tóm lược như sau:

“Trên quá trình phát triển lịch sử của văn học Việt Nam cho tới khoảng giữa thế kỷ XVIII mới tập hợp đầy đủ những nhân tố làm tiêu đề về đấu tranh xã hội, về nhận thức tư tưởng, cùng như về truyền thống văn học nghệ thuật, cho sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực lần đầu vào thời đại Nguyễn Du (khoảng 1750-1820). Với đặc tính là một “chủ nghĩa hiện thực thời đại Nguyễn Du” bởi vì Nguyễn Du là tác giả tiêu biểu nhất của trào lưu. Chủ nghĩa hiện thực đó tuy đã mang nhiều yếu tố phê phán xã hội, nhưng phải đợi tới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong những điều kiện xã hội tư sản Việt Nam hình thành do sự đỡ đầu của chủ nghĩa tư bản thực dân Pháp, và với nhà thơ Tú Xương là người mở đầu, mới hình thành chủ nghĩa phê phấn, chủ nghĩa hiện thực này sẽ đạt tới đỉnh cao với tính hoàn chỉnh của nó vào những năm 30 của thế kỷ XX”

Thật ra câu hỏi của tôi tự đặt ra không phải tới một cách ngẫu nhiên. Chính là vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, năm 1965, đã có cả một phong trào nghiên cứu sự nghiệp của nhà thơ dân tộc vĩ đại mà Viện Văn học là trung tâm, và qua đó đã có một số người nói đến chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du. Sau cuộc kỷ niệm, phong trào nghiên cứu vẫn tiếp tục trên Tạp chí Văn học đã có những cuộc trao đổi ý kiến (mà tôi tham gia), nhất là nhân dịp Viện Văn học tiến hành việc thảo một cuốn lịch sử văn học Việt Nam. Từ đó đến nay, theo  ý tôi, đáng chú ý hai tác phẩm đã trực tiếp giải đáp câu hỏi của tôi theo cách khác nhau.

Một là tác phẩm của Lê Đình Kỵ: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du xuất bản năm 1970. Đây là một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc, lần dùng đầu tiên khẳng định khá xác đáng chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du. Tiếc rằng tác giả chỉ đặt vấn đề trong phạm vi hẹp của Truyện Kiều mà không mở rộng ra đề cập tới toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du và hơn thế, tới toàn bộ văn học của thời đại Nguyễn Du. Dường như tác giả còn có phần dè dặt và ông bị hạn chế ở chỗ nhận định về bối cảnh hay tiền đề sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực mà ông khẳng định, chẳng hạn khi ông viết ở Lời nói đầu tác phẩm của ông:

“Chủ nghĩa hiện thực của Truyện Kiều là chủ nghĩa hiện thực hình thành trong vòng vây (tôi nhấn mạnh) của những quan điểm và thực tế sáng tác không phải hiện thực của văn học dân gian (tự sự) hay phong kiến….”

Ở đây chưa phải chỗ bàn cãi với tác giả , mà chỉ xin có một nhận xét là: thiết tưởng cần phải, ngược lại, nhìn thấy cả cuộc tấn công đột phá vào cái “ vòng vây” phong kiến đó không chỉ qua sáng tác của Nguyễn Du mà qua toàn bộ sáng tác văn học thời đại Nguyễn Du.

Tác phẩm thứ hai cũng trả lời thẳng vào câu hỏi trên là Chương XVIII của cuốn Lịch sử văn học Việt Nam tập I của Nhà Xuất bản Ủy ban Khoa học Xã hội 1980, nhan đề Văn học viết từ thế kỷ XVIII đến giữa  thế kỷ XIX, do Nguyễn Văn Hoàn soạn thảo. Câu trả lời đó là như thế (Trang 324)

“Về mặt phương pháp sáng tác , nếu theo dõi sự phát triển lịch sử văn học nước nhà, từ thời kỳ Lý, Trần , qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, và đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối càng rõ rệt trên nhiều tác phẩm , một khuynh hướng hiện thực hiểu theo một ý nghĩa hết sức rộng rãi về thuật ngữ , như tả sự phản ánh những vấn đề chủ yếu, bức thiết của xã hội. Tuy vậy chưa có thể khẳng định là một chủ nghĩa hiện thực ra đời. Còn thiếu nhiều tiền đề về lịch sử xã hội cũng như truyền thống văn học cho một phương pháp sáng tác như thế xuất hiện” (Tối nhấn mạnh).

Rõ ràng là lời kết luận trên đây hẳn với điều mà tôi muốn khẳng định trong cuốn sách, vì thật ra tác giả cũng không nói rõ quan niệm của mình thế nào là chủ nghĩa hiện thực cũng như cụ thể những tiền đề của nó là gì. Tuy nhiên, tôi muốn ghi lại ở đây chính những khẳng định của tác giả ở những trang khác trước khi ông kết luận như trên.

    (trang 297) “Trên cơ sở đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc sôi sục và sự trưởng thành của đất nước; sự phát triển của ý thức làm chủ của quần chúng, văn học đã tiến đến những đề tài mới, thắm đượm tinh thần nhân đạo sâu sắc, và về phương pháp sáng tác đã vươn tới khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa” (tôi nhấn mạnh)
    (trang 305) “Những bức tường giáo điều ước lệ công thức của văn học phong kiến một phần bị sụt lở, những người nghệ sĩ trải qua “một phen thay đổi sơn hà” phong trần chìm nổi, đã có dịp chứng kiến và hòa nỗi khó với những số kiếp “đoạn trường” của nhân dân. Đó là cơ sở tư tưởng cho khuynh hướng hiện thực tích cự trong văn học của thời đại ấy”
    (trang 308) “Điều đáng chú ý trong các thành tựu kiến trúc điêu khắc khác trên đây là ở sự tiến bộ về tính hiện thực và tính dân tộc (…) Nói một cách khác, ở đây ta thấy cái nhìn thế tục đã lấn át nhãn quan tôn giáo và nghệ thuật hiện thực phê phán đã chiến thắng công chức ước lệ” (tôi nhấn mạnh).

Thiết nghĩ chỉ ngần ấy khẳng định đã chứa đựng những tiền đề và một số yếu tố cơ bản nhất của một chủ nghĩa hiện thực, không phải với ý nghĩa “rộng rãi” mà ta rất chặt chẽ. Chỉ có thể kết luận là dường như tác giả chương sách tự mâu thuẫn với chính mình, hoặc giả ông nghiêm ngặt đòi hỏi điều kiện như ở chủ nghĩa hiện thực trong văn học phương Tây? Dù sao, vì vấn đề chủ nghĩa hiện thực hiện nay cũng chưa phải là đã có sự nhất trí hoàn toàn, ngay cả trong giới lý luận phê bình văn học các nước xã hội chủ nghĩa, cho nên cuốn sách nhỏ của chúng tôi cũng chỉ nhằm đóng góp một số quan điểm vào việc xây dựng một bộ lịch sử văn học Việt Nam cũng như một nền lý luận văn học Việt Nam hoàn chỉnh.

Cuối cùng, xin lưu ý bạn đọc rằng cuốn sách này chỉ là tập hợp những bài viết rải rác trong một thời gian khá dài nhưng xếp đặt ở đây lại không hoàn toàn theo trật tự thời gian mà là theo chủ đề cho bạn đọc để liên hệ,và mặc dù có những sửa chữa và bổ sung, các bài vẫn giữ được cơ cấu hoàn chỉnh của những bài báo mà không gắn bó như những chương nối tiếp nhau, cho nên không tránh khỏi một số điểm lặp lại, mong các bạn lượng thứ. Cuối mỗi bài (mỗi chương)  chúng tôi lại ghi rõ năm tháng viết nhầm để bạn đọc có thể thấy được cả quá trình suy nghĩ và nghiên cứu của chúng tôi.


Sách